Bệnh loãng xương âm thầm tấn công xương khớp

(PLO)- Các thói quen như ăn mặn, hút thuốc lá, ít vận động đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bệnh nhân Nguyễn Hoành Sơn (73 tuổi, ngụ TP.HCM) bị gãy chân, nhập viện mới biết mình bị bệnh loãng xương.

Té gãy chân mới biết bị loãng xương

Ông Sơn kể, cách đây 1 tuần, khi ông vừa ngủ dậy, đứng lên thì thấy choáng, chóng mặt rồi té xuống, người cứng như khúc gỗ. Ông bị gãy xương, phải nhập khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Thống Nhất.

Trước đó, ông đã bị té 2 lần nhưng may mắn không gãy xương. Lần này nhập viện ông mới biết mình bị loãng xương, lại có bệnh tiểu đường nên phải hạ mức đường huyết trước, 4 ngày sau mới phẫu thuật.

“Sau mổ, bác sĩ dặn dò tôi kĩ lưỡng về việc điều trị bệnh loãng xương. Tôi đang tập đi lại, khi nào đi được sẽ xuất viện” - ông Sơn nói.

bệnh loãng xương
Bác sĩ Nguyễn Trọng Sỹ thăm khám cho bệnh nhân Sơn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Bệnh nhân Thái Thị Diệu Hiền (55 tuổi, ngụ Ninh Thuận) đang điều trị loãng xương tại khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Thống Nhất.

Bệnh nhân cho biết trước đây không có triệu chứng gì về bệnh loãng xương. Cách đây 2 tháng bà bị đau lưng, ngồi xuống đứng lên rất khó, phải chống 2 tay. Đi khám bệnh viện địa phương, bác sĩ cho uống thuốc nửa tháng nhưng không khỏi. Sau đó bà được giới thiệu vào TP.HCM khám.

"Bác sĩ khám và chẩn đoán tôi bị loãng xương, phải nhập viện điều trị. Ngoài uống thuốc, tôi được cho tập vật lý trị liệu. Hiện tôi thấy đỡ đau đi nhiều, hết cảm giác nóng rát xương khớp. Bác sĩ dặn sau tôi cần bổ sung canxi, sau này xuất viện cần tập thể dục nhẹ nhàng buổi sáng” - bà Hiền chia sẻ.

benh-loang-xuong2.jpg
Bệnh nhân Thái Thị Diệu Hiền đang điều trị bệnh loãng xương tại khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Nhiều người trẻ bị loãng xương

Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Trọng Sỹ, khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Thống Nhất, chia sẻ hiện nay, tỉ lệ người cao tuổi bị loãng xương rất cao, lên tới 40-60%. Trong số họ, nhiều người sẽ gặp các biến chứng chẳng hạn gãy xương trong vòng 1 năm.

“Đáng chú ý, bệnh loãng xương cũng ngày càng trẻ hóa, chủ yếu gặp ở các bệnh nhân có các bệnh gây hủy xương như ung thư, xạ trị hay suy thận.

Thậm chí có những ca trên dưới 30 tuổi đã bị loãng xương do suy thận, chạy thận một thời gian. Như vậy do các bệnh lý suy thận ngày càng tăng ở người trẻ kéo theo loãng xương ở người trẻ tuổi cũng tăng” - bác sĩ này lý giải.

ThS.BS Hoàng Quốc Nam, phụ trách khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Thống Nhất, cho biết bệnh nhân loãng xương chiếm khoảng 30-40% trong tổng số bệnh nhân đến khám ở khoa Nội cơ xương khớp, độ tuổi trung bình trên 50 tuổi. "Đây là một tỉ lệ khá cao" - bác sĩ Nam nói.

benh-loang-xuong3.jpg
ThS.BS Hoàng Quốc Nam (bìa phải), phụ trách khoa Nội cơ xương khớp Bệnh viện Thống Nhất. Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Nam, quá trình lão hóa, thiếu vận động, dinh dưỡng kém và một số bệnh lý mạn tính là những nguyên nhân chính dẫn đến loãng xương. Các yếu tố nguy cơ gây loãng xương bao gồm tuổi cao, giới tính nữ, tiền sử gãy xương, sử dụng một số loại thuốc và có các bệnh lý như viêm khớp, tiểu đường.

Bệnh loãng xương thường diễn tiến âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi xảy ra gãy xương.

Những người có nguy cơ cao loãng xương là phụ nữ trên 65 tuổi, nam giới trên 70 tuổi, người sử dụng thuốc dài hạn, người gầy, người nghiện rượu... cần được khám sàng lọc loãng xương định kỳ.

Sau khi được điều trị ổn định tình trạng tại bệnh viện, bệnh nhân thường được điều trị ngoại trú. Quá trình điều trị bệnh loãng xương cần được theo dõi và duy trì lâu dài, không phải chỉ trong thời gian ngắn. Những bệnh nhân loãng xương bị gãy xương, sau khi phẫu thuật nhưng không tuân thủ điều trị có nguy cơ tái gãy rất cao.

“Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân tự ý điều trị mà không theo chỉ định của bác sĩ, hoặc điều trị theo các phương pháp không khoa học trên mạng, dẫn đến nguy cơ biến chứng cao.

Nếu tự ý điều trị bằng cách lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm kéo dài sẽ gây ra các biến chứng như suy thận, rối loạn tiêu hóa, nhiễm trùng, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị” - bác sĩ Nam chia sẻ.

Ăn mặn cũng gây loãng xương

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), loãng xương là bệnh thầm lặng nhưng nguy hiểm, đặc biệt phổ biến ở người từ 50 tuổi trở lên, nguyên nhân chủ yếu gây gãy xương, giảm khả năng vận động và suy giảm chất lượng cuộc sống.

Theo thống kê của Hiệp hội Loãng xương quốc tế, bệnh loãng xương ảnh hưởng đến khoảng 500 triệu người trên toàn cầu. Trong đó, hơn 21% phụ nữ và hơn 6% nam giới từ 50 tuổi trở lên mắc bệnh.

Mỗi năm, thế giới ghi nhận 37 triệu ca gãy xương do loãng xương ở người trên 55 tuổi, tương đương khoảng 70 ca mỗi phút. Ước tính, 1/3 phụ nữ và 1/5 nam giới sau tuổi 50 sẽ gặp ít nhất một lần gãy xương do loãng xương.

ThS.BS Phạm Ngọc Oanh, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Bệnh không lây (HCDC), cho biết các thói quen như ăn mặn, hút thuốc lá hay ít vận động đều góp phần tăng nguy cơ bệnh loãng xương.

Cụ thể, tiêu thụ quá nhiều muối khiến cơ thể tăng đào thải canxi qua đường tiểu, làm giảm lượng canxi dự trữ trong xương. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo mỗi người chỉ nên ăn dưới 5g muối mỗi ngày.

Còn hút thuốc lá ảnh hưởng đến quá trình hấp thu canxi, ức chế hoạt động của tế bào tạo xương và làm giảm mật độ xương dẫn đến tăng nguy cơ loãng xương.

Ngoài ra, việc thiếu vận động thể lực khiến cơ và mật độ xương bị suy yếu, làm suy giảm khối cơ, tăng nguy cơ loãng xương và té ngã ở người lớn tuổi. Nên vận động đều đặn ít nhất 30 phút mỗi ngày, liên tục 5 ngày trong tuần với cường độ trung bình và tùy theo tình trạng sức khỏe sẽ giúp cải thiện mật độ xương và giảm nguy cơ loãng xương.

Chế độ dinh dưỡng cân bằng, đặc biệt là bổ sung canxi, vitamin D cũng rất quan trọng để duy trì sức khỏe xương. Lưu ý rằng không chỉ uống can-xi mà còn phải kết hợp với các hoạt động thể chất để đạt hiệu quả tốt nhất.

"Các biện pháp phòng ngừa như tập luyện, chế độ dinh dưỡng và sử dụng thuốc hợp lý là rất cần thiết để kiểm soát bệnh loãng xương hiệu quả. Tránh lạm dụng thuốc, đặc biệt là thuốc giảm đau, chống viêm” - bác sĩ Oanh khuyến cáo.

Ai cần đo loãng xương?

- Phụ nữ ≥ 65 tuổi và nam giới ≥ 70 tuổi, bất kể các yếu tố nguy cơ.

- Phụ nữ sau mãn kinh, tiền mãn kinh và nam giới từ 50-69 tuổi có các yếu tố nguy cơ đối với gãy xương.

- Người lớn bị gãy xương (từ 50 tuổi trở lên).

- Người nghiện rượu, bia.

- Người lớn có bệnh mạn tính (viêm khớp dạng thấp, cấy ghép nội tạng) hoặc đang dùng thuốc glucocorticoid kéo dài.

- Người gầy có chỉ số BMI <18. BMI (Body Mass Index) là chỉ số khối cơ thể được tính bằng cân nặng (kg) chia cho bình phương của chiều cao (mét), để đánh giá được tình trạng cơ thể: gầy, cân đối, thừa cân, béo phì của một người trưởng thành.

ThS.BS HOÀNG QUỐC NAM, khoa Ngoại chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Thống Nhất

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

OSZAR »