Bị tố ngăn chặn phổ biến ca khúc cách mạng: Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc nói gì?

(PLO)- Bác bỏ cáo buộc ngăn chặn phổ biến các ca khúc cách mạng, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam khẳng định hàng trăm bản ghi ca khúc vẫn đang được sử dụng hợp pháp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) vừa có báo cáo gửi các cơ quan quản lý và cơ quan báo chí liên quan đến những thông tin cho rằng VCPMC ngăn chặn phổ biến các tác phẩm âm nhạc cách mạng trên nền tảng YouTube.

Đơn vị này khẳng định: Việc áp dụng biện pháp công nghệ là thực hiện quyền theo luật định nhằm bảo vệ quyền tác giả, không có yếu tố kiểm duyệt hay cản trở lan tỏa giá trị cách mạng.

Theo báo cáo, VCPMC cho biết đã thực hiện hàng loạt hoạt động trong những tháng đầu năm 2025, trong đó có công tác bảo vệ quyền tác giả trong môi trường số – lĩnh vực đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm bản quyền.

ca khúc cách mạng
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc VCPMC trả lời về thông tin đơn vị này bị tố ngăn chặn phổ biến các ca khúc cách mạng.

Đáng chú ý, một số kênh YouTube thuộc hệ thống BHMedia (do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Truyền thông Bihaco quản lý) đã bị áp dụng biện pháp công nghệ nhằm chặn một số bản ghi âm các ca khúc cách mạng do sử dụng trái phép tác phẩm của các tác giả là thành viên VCPMC.

Tuy nhiên, BHMedia sau đó đã có văn bản gửi đến một số cơ quan chức năng và báo chí, cáo buộc VCPMC ngăn chặn phổ biến các tác phẩm âm nhạc cách mạng, gây thiệt hại về tinh thần và lợi ích cộng đồng.

Trước thông tin này, VCPMC đã gửi báo cáo giải trình đến Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Hội Nhạc sĩ Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan.

Đơn vị này khẳng định việc thực hiện các biện pháp công nghệ là hoàn toàn đúng với quy định tại Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ, cho phép chủ thể quyền hoặc tổ chức đại diện được quyền "áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm".

“Việc chặn các video vi phạm là yêu cầu của chính các tác giả hoặc đại diện chủ sở hữu quyền, đồng thời là trách nhiệm mà VCPMC phải thực hiện trên cơ sở được ủy quyền hợp pháp”-Trung tâm nêu rõ.

Thông qua đối soát dữ liệu, VCPMC xác định các bản ghi bị chặn chứa các ca khúc cách mạng nổi tiếng như Đoàn vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Chiếc gậy Trường Sơn (Phạm Tuyên), Tiến bước dưới quân kỳ (Doãn Nho), Cô gái mở đường (Xuân Giao)... Các bản ghi này được sử dụng bởi BHMedia mà không có thỏa thuận bản quyền hoặc trả tiền sử dụng theo quy định.

“Nội dung vi phạm không nằm ở bản ghi hay bài hát cách mạng, mà ở việc sử dụng tác phẩm thuộc quyền quản lý của VCPMC mà không xin phép và không thanh toán bản quyền – điều này vi phạm Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ”- báo cáo nêu rõ.

VCPMC cũng bác bỏ cáo buộc ngăn chặn phổ biến tác phẩm các ca khúc cách mạng, khẳng định hàng trăm bản ghi các ca khúc của các nhạc sĩ như Phạm Tuyên, Doãn Nho, Phan Huỳnh Điểu… vẫn đang được sử dụng hợp pháp và lan tỏa rộng rãi trên YouTube, với sự tuân thủ của hàng nghìn tổ chức, cá nhân.

"Hiện nay, hàng nghìn tác phẩm âm nhạc trong đó có các tác phẩm thuộc kho tàng các ca khúc cách mạng của các nhạc sĩ Việt Nam vẫn đang được nhiều tổ chức, cá nhân – những đơn vị có ý thức tuân thủ quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ - sử dụng và tạo ra hàng triệu bản ghi âm, ghi hình trên các nền tảng số, đặc biệt là trên nền tảng YouTube"- đại diện VCPMC nói.

Cũng theo VCPMC, điều này đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền và giáo dục lòng yêu nước, yêu Tổ quốc, lòng biết ơn và ý chí phấn đấu, đặc biệt là cho thế hệ trẻ Việt Nam. Qua đó, thành quả lao động sáng tạo của các tác giả, nhạc sĩ lại càng được tôn vinh và ghi nhận, đồng thời được bảo vệ tương xứng theo chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam

Trước đó, theo phản ánh của đơn vị quản lý sản phẩm âm nhạc BHMedia gửi đến Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Bản quyền tác giả, Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an và nhiều cơ quan báo chí, VCPMC đã có hành vi cản trở việc phổ biến các tác phẩm âm nhạc cách mạng trên nền tảng số.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

OSZAR »