Trong bối cảnh các nỗ lực chấm dứt xung đột Nga-Ukraine đến nay vẫn chưa đem lại hiệu quả, châu Âu gần đây đang gia tăng áp lực lên Nga, đồng thời thể hiện sự đoàn kết với Ukraine.
Gói trừng phạt phối hợp từ Anh và EU
Ngày 10-5, Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua vòng trừng phạt thứ 17 nhằm vào Nga vì hành vi tấn công Ukraine và từ chối lệnh ngừng bắn mà phương Tây đề xuất, theo tờ Politico.
Theo lời Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Kaja Kallas, các biện pháp trừng phạt mới đang được xúc tiến và Nga càng kéo dài cuộc chiến thì phản ứng của EU sẽ càng cứng rắn.
Các gói trừng phạt tập trung vào “hạm đội bóng tối” của Nga - biệt danh mà các nước phương Tây dùng để chỉ đội tàu Nga vận chuyển dầu từ Nga đến biển Baltic. Trong gói trừng phạt mới, EU tăng gấp đôi số tàu nằm trong danh sách cấm tiếp cận cảng châu Âu và bị cấm cung cấp nhiều loại dịch vụ, từ 189 lên 342 tàu.
Ngoài ra, EU còn áp đặt trừng phạt đối với các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đội tàu này. Danh sách bao gồm các công ty vận tải biển chuyên chở dầu thô và sản phẩm dầu trên biển, trong đó có các tổ chức từ Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ và Hong Kong (Trung Quốc). Một công ty bảo hiểm lớn trong ngành vận tải dầu mỏ Nga cũng bị đưa vào danh sách trừng phạt.

EU cũng trừng phạt hơn 45 công ty và cá nhân Nga cung cấp máy bay không người lái, vũ khí, đạn dược, thiết bị quân sự, linh kiện then chốt và hỗ trợ hậu cần cho quân đội Nga. Hội đồng EU cũng bổ sung 31 thực thể mới vào danh sách các đối tượng chịu kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt đối với hàng hóa và công nghệ, do vai trò hỗ trợ tổ hợp quân sự - công nghiệp của Nga.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 18, nối tiếp gói thứ 17 vừa được thông qua, với các biện pháp sâu rộng hơn.
Gói trừng phạt thứ 18 sẽ được EU phối hợp với Anh để thực hiện. Bộ Ngoại giao Anh ngày 20-5 cho biết các biện pháp trừng phạt song song này là một phần của “nỗ lực phối hợp nhằm đạt được hòa bình công bằng và bền vững tại Ukraine”.
Ngoài ra, EU cũng sắp đề xuất G7 hạ mức trần giá dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển từ ngưỡng hiện tại 60 USD/thùng xuống còn 50 USD/thùng. "Đây là vấn đề mà chúng tôi đã nêu ra từ phía Ủy ban [châu Âu] trong bối cảnh xây dựng gói trừng phạt thứ 18. Tôi mong đợi một số đối tác G7 cũng quan tâm đến vấn đề này và sẽ có một số cuộc thảo luận" - Ủy viên Kinh tế châu Âu Valdis Dombrovskis nói hôm 19-5.
Việc các nước châu Âu đưa ra các gói trừng phạt vài ngày sau khi đàm phán giữa Nga và Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc mà không đem lại thỏa thuận ngừng bắn. Gói trừng phạt thứ 17 cũng được công bố chưa đầy 24 giờ sau các cuộc điện đàm riêng rẽ của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Bình luận về động thái của châu Âu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 20-5 nói rằng những nỗ lực nhằm gây sức ép lên các cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev đều hoàn toàn phản tác dụng. “Mọi người nên nhớ rằng Nga không bao giờ khuất phục trước bất kỳ tối hậu thư nào” - bà Zakharova nhấn mạnh.
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump cho biết ông đang cân nhắc các hành động sau động thái của EU và Anh nhưng không nêu chi tiết. “Chúng tôi đang xem xét nhiều khả năng, nhưng cứ chờ xem” - ông Trump nói với truyền thông.
Tổng thống Trump từ chối áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga vì điều này có thể cản trở các cơ hội kinh doanh và thương mại trong tương lai với Moscow, tờ The New York Times ngày 20-5 dẫn lời một quan chức Nhà Trắng.
Tác động từ các lệnh trừng phạt
Theo giới quan sát, các lệnh trừng phạt của châu Âu với Nga là một công cụ mạnh mẽ nhưng sẽ chậm phát huy tác dụng nếu không có sự hỗ trợ từ Mỹ.

Hi vọng của châu Âu rằng ông Trump có thể gia tăng áp lực lên Điện Kremlin đã giảm đi sau cuộc điện đàm kéo dài giữa nhà lãnh đạo Mỹ và ông Putin. Ông Trump không thực hiện những đe dọa trước đó về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt “quy mô lớn” nếu không có lệnh ngừng bắn, mà thay vào đó lại hoan nghênh viễn cảnh nối lại thương mại với Nga.
“Nga muốn thực hiện thương mại quy mô lớn với Mỹ khi cuộc xung đột này kết thúc, và tôi đồng ý” - ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social, thêm rằng Ukraine “có thể hưởng lợi lớn từ thương mại trong quá trình tái thiết đất nước”.
Hiện tại, EU vẫn là khách hàng lớn nhất của khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga, với phần lớn lượng khí này được chuyển đến Đức qua các cảng ở Bỉ.
Việc trừng phạt 342 tàu trong “hạm đội bóng tối” cũng được cho là sẽ không dẫn đến thay đổi lớn khi một nhà ngoại giao EU ước tính rằng Nga hiện có khoảng 800 tàu trong đội tàu này, so với chỉ 100 chiếc hai năm trước.
Về khả năng hạ mức trần giá dầu Nga, ngày càng có nhiều câu hỏi về việc EU có thể làm được gì nếu không có sự đồng thuận từ Mỹ bởi mức trần giá dầu là thỏa thuận chung của G7, trong đó có Washington.
Ngoài ra, theo tờ The Guardian, nếu Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, các quan chức EU lo ngại rằng sự đoàn kết của châu Âu sẽ rạn nứt. Khi đó, Hungary - quốc gia thường xuyên đe dọa phủ quyết các lệnh trừng phạt - có thể chặn việc gia hạn các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga khi đến hạn vào tháng 7.
Ông Mark Galeotti - Giám đốc công ty tư vấn Mayak Intelligence (Anh) - nói với đài DW rằng mặc dù các lệnh trừng phạt của châu Âu với Nga “được nói đến rất nhiều nhưng thực ra không mang nhiều ý nghĩa”.
“Trên hết, các biện pháp này là để bịt những lỗ hổng, bởi rõ ràng là phía Nga liên tục tìm cách mới để né trừng phạt. Trừng phạt không phải là vũ khí thần kỳ và sẽ không khiến nền kinh tế Nga sụp đổ” - ông Galeotti nói, đồng thời nhận định rằng các “lệnh trừng phạt thứ cấp” của Mỹ, nhắm vào những quốc gia làm ăn với Nga, có thể sẽ hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng gói trừng phạt mới là thông điệp cho thấy châu Âu không còn chờ đợi Mỹ hành động nữa.
“Mức độ và thời điểm của gói trừng phạt mới nhất này chứng tỏ quyết tâm của châu Âu trong việc duy trì sức ép kinh tế lên Nga và là tín hiệu rõ ràng cho thấy châu Âu vẫn duy trì đòn bẩy kinh tế mạnh mẽ trong các cuộc đàm phán tiềm năng với Nga nhằm chấm dứt chiến sự” - theo bà Kimberly Donovan, chuyên gia tại Trung tâm Địa kinh tế của viện nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương.
“Người ta ngày càng lo ngại về sự khác biệt tiềm tàng trong chính sách đối ngoại của Mỹ và EU, và gói biện pháp mới nhất của EU là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng các lệnh trừng phạt của EU có thể vẫn được áp dụng ngay cả khi Washington quyết định nới lỏng các lệnh trừng phạt hoặc mở ra các con đường cho thương mại và tài chính với Moscow” - bà Donovan nói thêm.
WSJ: Ông Trump nói với châu Âu rằng ông Putin chưa sẵn sàng chấm dứt chiến sự
Trong cuộc điện đàm hôm 19-5, Tổng thống Trump nói với các nhà lãnh đạo châu Âu rằng Tổng thống Putin chưa sẵn sàng chấm dứt chiến sự Ukraine vì ông Putin tin rằng Nga đang giành chiến thắng, tờ Wall Street Journal ngày 21-5 dẫn ba nguồn tin.
Cuộc điện đàm có sự tham gia của Tổng thống Zelensky, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Friedrich Merz, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và Chủ tịch Ủy ban châu Âu von der Leyen.
Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin trên và chỉ dẫn đến bài đăng trên của ông Trump trên mạng xã hội về cuộc điện đàm Trump-Putin.
“Giọng điệu và tinh thần của cuộc trao đổi rất tuyệt vời. Nếu không phải như vậy, tôi đã nói ra ngay lúc này rồi” - ông Trump viết.
Nga chưa bình luận về thông tin trên.