HỘI THẢO "GIẢI PHÁP XỬ LÝ TÀI SẢN THI HÀNH ÁN TRONG CÁC VỤ ÁN KINH TẾ"

Có nên tạo điều kiện cho người phải thi hành án tham gia sâu vào việc xử lý tài sản?

(PLO)- Các chuyên gia cho rằng nên tạo điều kiện cho người phải thi hành án tham gia sâu vào quá trình xử lý tài sản để giảm khiếu nại, tố cáo và thu về tối đa giá trị của tài sản.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 14-5, Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo "Góp ý sửa đổi Luật Thi hành án dân sự - Giải pháp xử lý tài sản thi hành án trong các vụ án kinh tế".

Một trong những vấn đề được nhiều chuyên gia quan tâm, bàn luận liên quan đến sự tham gia của người phải THA/chủ sở hữu tài sản vào quá trình THA.

Giảm bớt khiếu nại, tố cáo

Luật Thi hành án dân sự (THADS) hiện hành cho người phải THA/chủ sở hữu tài sản các quyền như quyền ưu tiên mua lại tài sản, yêu cầu tổ chức định giá lại hoặc quyền tham gia phiên đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, nhiều người đặt ra câu hỏi: Có nên tạo cơ chế cho phép người phải THA/chủ sở hữu tài sản được tham gia sâu hơn vào quá trình xử lý tài sản không? Chẳng hạn cho phép họ được quyền tư vấn bán tài sản hoặc kết nối với các đối tác có thể mua lại tài sản với giá cao hơn. Nếu cho phép thì nên quy định giới hạn nào và cơ chế kiểm soát như thế nào để không tạo ra kẽ hở pháp lý hoặc nguy cơ trục lợi.

1000023022.jpg
Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, ủng hộ việc cho người phải THA/chủ sở hữu tài sản tham gia vào quá trình THA. Ảnh: THUẬN VĂN

Trao đổi về vấn đề này tại Hội thảo, Luật sư Trần Cao Đại Kỳ Quân, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, cho biết tuy luật cho phép người phải THA/chủ sở hữu tài sản được tham gia vào quá trình THA nhưng sự tham gia chủ yếu về mặt thủ tục, sự tham gia chưa đúng với ý nghĩa tham gia để xử lý tài sản. Trên thực tế, quá trình xử lý tài sản xảy ra rất nhiều vướng mắc liên quan; đặc biệt rất nhiều trường hợp có khiếu nại, tố cáo, thậm chí là sai phạm từ chấp hành viên, đấu giá viên do xâm phạm đến lợi của của chủ tài sản.

Do đó đề xuất cho chủ sở hữu tài sản/người phải THA tham gia sâu hơn nữa vào quá trình xử lý tài sản trong giai đoạn THA là việc làm cần thiết và nên làm. Tham gia sâu ở đây là về khía cạnh tích cực, hợp tác trong vấn đề xử lý tài sản.

Theo luật sư Quân, việc cho người phải THA/chủ sở hữu tài sản tham gia sâu có hai ý nghĩa. Thứ nhất là để họ tham gia xử lý tài sản có thể giảm tối đa khiếu nại, tố cáo. Thứ hai là đối với những tài sản lớn, những dự án lớn tại thời điểm THA mà chưa hoàn thiện về mặt thủ tục pháp lý thì chỉ có chủ sở hữu tài sản/người phải THA mới là người hoàn thiện pháp lý một cách nhanh nhất, hơn bất cứ chủ thể nào khác. Thậm chí đối với những tài sản lớn này thì chính chủ sở hữu/người phải THA mới có thể đàm phán, phối hợp với đối tác để bán tài sản với giá cao nhất có thể, thu về tối đa giá trị của tài sản.

Thu hồi tối đa giá trị tài sản, tránh lãng phí

Đồng quan điểm về vấn đề này, TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho biết thực tế trong các vụ đại án tham nhũng, kinh tế sẽ có rất nhiều tài sản như: cổ phần, cổ phiếu, quyền tài sản, tài sản hình thành trong tương lai (các dự án đang được phát triển) có giá trị rất lớn nhưng chỉ vì pháp lý của tài sản chưa hoàn thiện nên không được định giá.

xử lý tài sản
Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, cho rằng nên tạo điều kiện để người phải THA/chủ sở hữu tài sản tham gia cùng vào quá trình THA để xử lý tài sản. Ảnh: NGUYỆT NHI

Việc xác định giá trị của các loại tài sản này có ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử cũng như giai đoạn THA. LS Hoài dẫn chứng trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bản án có hiệu lực của Toà án đã tuyên giao các mã tài sản cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) phối hợp cùng với Cơ quan THADS để xử lý tài sản dưới sự giám sát của Bộ Công an và VKSND Tối cao.

LS Hoài cho rằng trong hướng xử lý mới này, Toà án là một điểm mới/cơ chế mới trong vấn đề xử lý tài sản vì khi đó tài sản của vụ án khi mang ra xử lý sẽ được các cơ quan phối hợp để có phương án xử lý tốt nhất. Bên cạnh đó, việc tham gia xử lý tài sản của người phải THA/chủ sở hữu tài sản trong ví dụ này (bị cáo Trương Mỹ Lan) cần được các cơ quan có thẩm quyền xem xét bởi hơn ai hết bị cáo Lan là người hiểu rõ về pháp lý của các tài sản; là người đàm phán với các đối tác trong và ngoài nước để xử lý tài sản để thu về tối đa giá trị, tránh lãng phí, góp phần khắc phục hậu quả của vụ án.

Cùng vấn đề, ông Ngụy Cao Thắng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản TP.HCM, cho biết vướng mắc lớn nhất hiện nay khi xử lý tài sản trong giai đoạn THA đó là xử lý tài sản là các dự án. Đặc biệt trong các đại án lớn, các dự án có quy mô rất lớn, trong khi đó hầu như không đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản khi mang ra đấu giá. Điều này dẫn đến việc không thể chuyển nhượng toàn bộ dự án mà chỉ có thể tách nhỏ thành các phần để chuyển nhượng, thu về giá trị rất thấp.

Do đó, ông Thắng nêu giải pháp là khi xử lý đối với những dự án chưa hoàn thiện về mặt pháp lý này là tạo cơ chế để cho phép chuyển nhượng tổng thể dự án để phát huy hết giá trị của tài sản. Cho phép chủ tài sản/người phải THA tham gia phối hợp xử lý cũng là một phương án xem xét cân nhắc tới để tạo thuận lợi trong quá trình xử lý tài sản.

Xem xét quyền của người phải thi hành án

Với vai trò đồng chủ trì phần thảo luận, GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, đã đúc kết lại một số nội dung mà các chuyên gia đã nêu tại Hội thảo.

Theo đó, quá trình THA bao gồm rất nhiều chủ thể tham gia xử lý tài sản, trong đó có người phải THA/chủ sở hữu, đồng sở hữu tài sản. Trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thường có các tài sản rất lớn cần xử lý trong giai đoạn THA mà người phải THA thường là các bị án đang chấp hành án phạt tù. Tuy nhiên không phải vì những người này đang chấp hành án mà "quên" đi các quyền của họ đối với tài sản của mình.

IMG_1899.jpeg
GS.TS Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM. Ảnh: THUẬN VĂN

Cạnh đó, hiện nay Luật THADS quy định về sự tham gia của người phải THA/chủ sở hữu tài sản vào quá trình xử lý tài sản của mình dừng lại ở mức hạn chế. Do đó, nhiều chuyên gia đã đề xuất cho đối tượng này tham gia sâu và quá trình THA. Bởi lẽ mục đích cuối cùng của việc xử lý tài sản THA là thu về tối đa giá trị của tài sản để khắc phục hậu quả của vụ án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

OSZAR »