Giữa lúc xung đột tại Dải Gaza chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố Israel đã đồng ý với các điều kiện cần thiết để tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 60 ngày.
Cánh cửa hòa bình đã mở?
Trong một động thái ngoại giao đáng chú ý, ngày 1-7, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Israel đã chấp thuận các điều kiện cần thiết để tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 60 ngày tại Dải Gaza, dù chưa rõ phía Hamas chưa xác nhận có đồng thuận với đề xuất này hay không, theo đài CNN.
“Các đại diện của tôi đã có một cuộc họp dài và hiệu quả với phía Israel hôm nay về vấn đề Gaza. Israel đã đồng ý với các điều kiện cần thiết để hoàn tất lệnh ngừng bắn 60 ngày, trong thời gian đó chúng tôi sẽ làm việc với tất cả các bên để chấm dứt chiến sự” - ông Trump viết trên nền tảng Truth Social.
Ông Trump cũng nhấn mạnh vai trò trung gian then chốt của Qatar và Ai Cập, đồng thời bày tỏ hy vọng Hamas sẽ “vì lợi ích của Trung Đông” mà chấp nhận đề xuất này, bởi “sẽ không có một đề xuất tốt hơn”.

Phía Israel hiện chưa lên tiếng chính thức về thông tin trên. Tuy nhiên, hãng Axios dẫn lời một quan chức cấp cao Israel cho biết rằng lực lượng Tel Aviv có thể sẽ leo thang chiến dịch quân sự nếu không có tiến triển trong các cuộc đàm phán ngừng bắn và trao đổi con tin.
“Mọi thứ sẽ hóa thành tro bụi. Chúng tôi sẽ làm với thành phố Gaza và các trại trung tâm điều từng làm với Rafah. Đó không phải là lựa chọn chúng tôi ưu tiên, nhưng nếu không có tiến triển nào hướng tới một thỏa thuận con tin, chúng tôi sẽ không còn lựa chọn nào khác” - Axios dẫn lời một quan chức cấp cao Israel.
Trước đó, hôm 30-6, Israel đã ra lệnh cho dân thường tại nhiều khu vực khác ở thành phố Gaza sơ tán xuống phía nam, cho thấy sự chuẩn bị cho khả năng mở rộng tấn công trên bộ, theo tờ The Time of Israel.
Tuy nhiên, không phải ai trong bộ máy Israel cũng ủng hộ hành động này. Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ Israel - Trung tướng Eyal Zamir đã cảnh báo nội các rằng việc mở rộng chiến dịch ở Gaza có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho mạng sống của các con tin còn bị Hamas giam giữ. Ông cũng cho biết tình trạng của các con tin hiện rất nghiêm trọng và họ có thể đang phải chịu sự tra tấn ngày càng khốc liệt, theo kênh Channel 12.
Phía Hamas đến nay vẫn giữ im lặng trước đề xuất mới. Nhóm này từ lâu đã yêu cầu một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và quyền tiếp tục kiểm soát Dải Gaza - điều mà Israel kiên quyết bác bỏ. Việc Hamas có chấp thuận một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời kéo dài 60 ngày hay không vẫn là ẩn số lớn trong bối cảnh đàm phán bước vào thời điểm mang tính quyết định.
Ông Trump sẽ có cuộc gặp quan trọng với Thủ tướng Netanyahu tại Washington DC vào ngày 7-7 tới, nơi nhà lãnh đạo Mỹ cam kết sẽ kiên quyết thúc đẩy việc chấm dứt xung đột. Đồng thời, Tổng thống Trump bày tỏ sự lạc quan mạnh mẽ, tin rằng một thỏa thuận hòa bình sẽ được đạt được ngay trong tuần tới.
Triển vọng tới đâu?
Tuyên bố của Tổng thống Trump rằng Israel đã đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 60 ngày tại Gaza thắp lên hy vọng về một lối thoát ngoại giao cho cuộc xung đột dai dẳng tại dải đất này.
Theo trang Axios, tuyên bố của ông Trump được đưa ra sau cuộc gặp giữa đặc phái viên Mỹ Steve Witkoff và Bộ trưởng Các vấn đề Chiến lược Israel Ron Dermer tại Nhà Trắng. Hai bên đã thảo luận về một đề xuất ngừng bắn mới do Qatar đưa ra, tuy nhiên Doha hiện vẫn chưa lên tiếng chính thức.

Tuy nhiên, theo hãng tin Al Jazeera, con đường đến một thỏa thuận thực chất vẫn vấp phải nhiều rào cản lớn, vốn từng khiến các vòng đàm phán trước đó đổ vỡ. Vấn đề cốt lõi nằm ở sự bất đồng về mục tiêu cuối cùng của lệnh ngừng bắn.
Thứ nhất, Hamas yêu cầu mọi thỏa thuận tạm thời phải dẫn đến việc chấm dứt hoàn toàn chiến sự và rút toàn bộ quân đội Israel khỏi Gaza. Trong khi đó, Israel kiên quyết không cam kết điều này, từng rút khỏi thỏa thuận ba giai đoạn hồi tháng 1 và tiếp tục các chiến dịch quân sự sau khi từ chối đàm phán về kết thúc chiến tranh.
Thứ hai, Israel yêu cầu Hamas giải giáp, trao lại quyền kiểm soát Dải Gaza và để các thủ lĩnh của nhóm này rời khỏi khu vực - những điều kiện mà Hamas gọi là “lằn ranh đỏ”. Phong trào vũ trang này tuyên bố sẽ không từ bỏ vũ khí chừng nào Israel vẫn còn “chiếm đóng” các vùng lãnh thổ của người Palestine.
Một vướng mắc then chốt khác là Hamas yêu cầu đàm phán về ngừng bắn vĩnh viễn phải bắt đầu ngay từ ngày đầu tiên của lệnh ngừng bắn tạm thời, thay vì trì hoãn.
Điều này thể hiện rõ trong cuộc đàm phán gần nhất hồi tháng 6, Mỹ đề xuất một lệnh ngừng bắn 60 ngày và kêu gọi quân đội Israel rút khỏi một số khu vực nhất định tại Gaza theo bản đồ được hai bên thống nhất, song song với việc khởi động đàm phán về một thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn.
Đáp lại sau đó, Hamas đã gửi phản hồi yêu cầu quá trình đàm phán về một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn phải được khởi động ngay từ ngày đầu tiên của thỏa thuận ngừng bắn tạm thời. Nhóm này cũng nhấn mạnh rằng chính quyền Tổng thống Trump cần đóng vai trò bảo đảm cho một lộ trình đàm phán rõ ràng, với mục tiêu cuối cùng là đạt được một thỏa thuận chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến.
Tuy vậy, cũng không phải không có khả năng, khi phía Washington được cho là đang rất nỗ lực để đưa hòa bình tới gần hơn với Dải Gaza.
Một nguồn thạo tin về tiến trình đàm phán tiết lộ với tạp chí Newsweek rằng Tổng thống Mỹ đang tìm cách thuyết phục Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chấp thuận một thỏa thuận ngừng bắn với Hamas, sau khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Iran và Israel đã khép lại 12 ngày giao tranh dữ dội giữa hai bên.
“Khả năng đạt được thỏa thuận là rất lớn. Tổng thống Mỹ đang nỗ lực hết sức để thuyết phục phía Israel rằng thời điểm hiện tại là thích hợp, nhất là khi vấn đề Iran đã tạm lắng xuống” - nguồn tin cho biết.
Khi căng thẳng trong khu vực vẫn âm ỉ và tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi, mọi ánh mắt sẽ đổ dồn về Washington vào tuần tới để xem liệu con đường ngoại giao có thể mang lại một lệnh ngừng bắn được chờ đợi từ lâu - hay cuộc chiến ở Gaza sẽ bước sang một chương mới tăm tối hơn nữa.
Gaza bên bờ thảm họa nhân đạo giữa làn bom đạn
Theo hãng tin Al Jazeera, tình hình tại Dải Gaza tiếp tục xấu đi nghiêm trọng khi Israel tăng cường không kích và phong tỏa viện trợ.
Một cuộc tấn công nhằm vào khu Tuffah ở thành phố Gaza ngày 2-7 đã khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có 2 trẻ em, theo nguồn tin từ Bệnh viện al-Ahli. Ít nhất 6 người khác bị giết tại Khan Younis, TP Gaza và Deir el-Balah trong các cuộc đột kích xuyên đêm 1-7 rạng sáng 2-7 từ phía Tel Aviv.
Bệnh viện lớn nhất Gaza – al-Shifa – đang cạn kiệt nhiên liệu do Israel chặn tiếp tế. Các máy lọc thận ngừng hoạt động, khu hồi sức đặc biệt tê liệt, đẩy hàng trăm bệnh nhân vào tình trạng nguy kịch.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cảnh báo nạn đói có thể bùng phát khi viện trợ vẫn bị hạn chế. WFP nhấn mạnh rằng điều kiện sống chỉ có thể cải thiện nếu đạt được một thỏa thuận ngừng bắn bền vững.
Tại Bờ Tây, quân đội Israel bắt giữ ít nhất 14 người Palestine trong các cuộc đột kích ở Bethlehem, bao gồm hai thiếu niên 15 tuổi. Một người khác bị bắt ở Hebron.
Từ ngày 7-10-2023, Israel đã gia tăng bạo lực tại Bờ Tây khiến hơn 1.000 người Palestine thiệt mạng, trong khi chiến dịch quân sự tại Gaza đã cướp đi hơn 56.000 sinh mạng và buộc gần như toàn bộ dân số phải sơ tán.