ĐBQH đề xuất người từ 16 tuổi được góp vốn, thành lập doanh nghiệp

(PLO)- Đại biểu đề xuất cho người 16 tuổi góp vốn thành lập doanh nghiệp vì người đủ 16 tuổi không còn là trẻ em, có quyền lao động...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 20-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Doanh nghiệp. Những sửa đổi này, theo tờ trình của Chính phủ, vừa nhằm đáp ứng các yêu cầu của quốc tế vừa để phù hợp với những diễn biến mới trong thúc đẩy kinh tế.

Một đề xuất ngoài dự luật

ĐB Phan Đức Hiếu (Thái Bình) có ba ý kiến, trong đó đáng chú ý là đề xuất về độ tuổi được tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp.

Theo ĐB Hiếu, quy định tại luật doanh nghiệp đang hiện hành chỉ cho người 18 tuổi trở lên được góp vốn thành lập doanh nghiệp, tuy nhiên ông đề nghị hạ độ tuổi này để người 16 tuổi cũng được góp vốn thành lập doanh nghiệp.

ĐB Hiếu lý giải: “Hệ thống pháp luật hiện hành quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi, người đủ 15 tuổi thì đã đủ tuổi lao động.

Người 18 tuổi mới có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nhưng người từ 15 tuổi trở lên cũng đã được đứng ra ký và chịu trách nhiệm về các giao dịch dân sự. Vì vậy, quy định người 16 tuổi có quyền góp vốn và tham gia thành lập doanh nghiệp là phù hợp các quy định của luật pháp hiện hành”.

Đại biểu đề xuất cho người 16 tuổi góp vốn thành lập doanh nghiệp
Hai ĐB Phan Đức Hiếu (trái) và Đồng Ngọc Ba (phải) có quan điểm khác nhau về độ tuổi thành lập doanh nghiệp. Ảnh: QH

ĐB Đồng Ngọc Ba (Bình Định) sau đó trao đổi nói rằng: Điều 17, khoản 2 của Luật Doanh nghiệp hiện hành đã phân biệt rất rõ quyền thành lập, quản lý, góp vốn của các chủ thể. Theo ông, luật từ lâu đã không cấm việc góp vốn vào doanh nghiệp, ai có tài sản đều có thể góp vốn.

Một số đối tượng bị cấm thành lập, tham gia, góp vốn nhằm để tránh xung đột lợi ích, như: Cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang. Một số luật cũng cấm cán bộ, công chức tham gia doanh nghiệp như Luật cán bộ công chức, luật Phòng chống tham nhũng…

“Còn quy định về quyền góp vốn vào doanh nghiệp nhằm thu hút mọi nguồn lực phát triển. Có thể ý kiến của ĐB Phan Đức Hiếu đề xuất quyền cho người 16 tuổi là quyền tham gia thành lập doanh nghiệp. Đề nghị cân nhắc việc này”, ĐB Đồng Ngọc Ba nói và lưu ý rằng một doanh nghiệp sẽ thực hiện nhiều giao dịch thì người chưa thành niên tham gia thì cần xem xét.

Trao đổi với PLO, ĐB Phan Đức Hiếu cho rằng: Nếu theo đề xuất hạ độ tuổi thành lập doanh nghiệp của ông thì sẽ góp phần định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ rất tốt, tăng cơ hội khởi nghiệp, tạo được tinh thần kinh doanh toàn xã hội, góp phần quan trọng triển khai Nghị quyết 68 và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kinh tế tư nhân.

Để bảo vệ hình ảnh nhà giáo

Cũng về chủ đề tham gia thành lập, tham gia điều hành doanh nghiệp, nhiều ĐBQH cũng cho rằng, nên mở rộng hơn các quy định để viên chức trong một số lĩnh vực cũng có thể thành lập hoặc tham gia điều hành doanh nghiệp.

ĐB Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) đánh giá cao Dự luật đã mở rộng quyền của viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập trong việc góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Tuy nhiên, quy định này đang mâu thuẫn với Điều 49 dự Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo cũng trình trong Kỳ họp này. Theo đó, dự luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo lại quy định rộng hơn, bao gồm viên chức tại tất cả các tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

“Điều này tạo ra sự thiếu thống nhất trong hệ thống pháp luật. Cũng cần lưu ý rằng, không phải mọi cơ sở giáo dục đại học công lập đều là tổ chức khoa học và công nghệ và ngược lại”, ĐB Nhị Hà nói.

Bà Hà kiến nghị điều chỉnh để mở rộng đối tượng phù hợp với Dự Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo nhằm tránh chồng chéo, đảm bảo đồng bộ pháp luật, tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thuận lợi cho hoạt động đổi mới sáng tạo trong khu vực công lập.

ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) phân tích sự khác nhau giữa pháp nhân thương mại và phi thương mại và cho rằng: Nhà giáo vừa làm thầy vừa làm chủ doanh nghiệp cũng nên xem xét lại.

“Giáo viên là nghề cao quý, là viên chức đặc biệt. Nếu quy định mở rộng pháp nhân thương mại như vậy thì việc phải chịu trách nhiệm hình sự theo các tội trốn thuế, lừa đảo, không đóng bảo hiểm, vi phạm môi trường hay huy động vốn làm ăn không hiệu quả dẫn đến bị hình sự… là hiện hữu”, ĐB Hạ nhận định và lưu ý rằng: ranh giới giữa huy động vốn sử dụng không hiệu quả và lừa đảo là rất mong manh.

Mặt khác, ĐB Hạ cho rằng một số bài học nhãn tiền cho thấy một số đơn vị sự nghiệp công lập khi lập doanh nghiệp thì không hiệu quả, để lại một gánh nặng cho đơn vị chủ quản.

“Tôi cho rằng nên quy định như trong Luật Nhà giáo. Viên chức giáo dục chỉ tham gia thành lập, quản lý, điều hành cơ sở giáo dục, đào tạo trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ. Còn khi đã thương mại rồi thì phải chuyển giao. Còn phả tính toán câu chuyện thành lập pháp nhân thương mại để bảo vệ hình ảnh người thầy.”, ĐB Tạ Văn Hạ nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

OSZAR »