Đây là thực trạng mà ông Lương Trọng Khoa, Sáng lập Công ty CP Sâm Việt Nam (Vinapanax) kiêm Phó chủ tịch Hội sâm Ngọc Linh Quảng Nam (cũ) nêu ra tại tọa đàm "Chống hàng giả, hàng gian: Làm sạch thị trường, bảo vệ niềm tin" do báo Người lao động tổ chức vào sáng ngày 2-7 tại TP.HCM.
Bị làm giả đến nỗi doanh nghiệp không thể lớn
Theo ông Khoa, trong lĩnh vực sâm Ngọc Linh, một số doanh nghiệp có thể trộn lẫn các loại sâm khác mà người tiêu dùng hoàn toàn không thể nhận biết.

Ngay cả trong giấy tự công bố sản phẩm để đưa sản phẩm ra thị trường, doanh nghiệp chỉ bắt buộc kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm và hàm lượng saponin (là một trong những thành phần quan trọng có trong các loại thảo mộc có lợi cho sức khỏe của con người), trong khi saponin không phải là hoạt chất riêng có của sâm Ngọc Linh.
Theo vị này để đảm bảo chất lượng, các hội viên đã chủ động kiểm tra ADN nhằm chứng minh sản phẩm là sâm Ngọc Linh thật. Cạnh đó, vùng trồng sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My còn tổ chức các phiên chợ nhằm cung cấp sâm thật, xây dựng niềm tin cho khách hàng.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại bất cập là người tiêu dùng ở TP HCM hay các tỉnh xa rất khó ra tận nơi để mua trực tiếp hàng thật tại chợ phiên. Đáng lo ngại hơn, trên mạng xã hội, chỉ cần nhiều người liên tục nhắc đến sâm Ngọc Linh thì dù họ bán hàng giả, người tiêu dùng vẫn dễ dàng tin theo.
Song song với đó, ông Khoa nêu thêm thực trạng, bản thân các doanh nghiệp chế biến sâm Ngọc Linh thật cũng đang gặp không ít khó khăn.
"Do sản lượng còn hạn chế, nhiều đơn vị chưa đủ điều kiện xây dựng nhà máy riêng mà phải thuê gia công, từ đó phát sinh lo ngại có thể bị xử phạt oan nếu sản phẩm bị phát hiện chứa thành phần ngoài nguyên liệu sâm Ngọc Linh mà họ không kiểm soát hết"- ông Khoa nói.
Cũng là một trong những đơn vị gian nan với cuộc chiến hàng giả, đại diện doanh nghiệp Võng xếp Duy Lợi nhấn mạnh: sản phẩm công ty bị làm giả đến nỗi doanh nghiệp không thể lớn.
"Là thương hiệu quen mặt hơn 20 năm của gia đình Việt, có độ nhận diện thương hiệu cao, nhưng với quy mô sản xuất còn nhỏ, cộng thêm tình trạng khó khăn do liên tục bị làm giả, làm nhái và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Duy Lợi không đủ tiềm lực để chống chọi hiệu quả. Dẫn đến thị phần bị thu hẹp, doanh nghiệp khó có thể mở rộng"- vị này bày tỏ.
Vì thế, doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng sớm thiết lập các kênh tiếp nhận tin tố cáo nhanh chóng, thuận tiện. Đồng thời áp dụng những chế tài nghiêm khắc, đủ sức răn đe với nạn hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là trên môi trường thương mại điện tử, để giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, đưa sản phẩm thật, chất lượng đến tay người tiêu dùng.
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm rất gian nan
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết, chỉ từ ngày 15-5 đến 15-6, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã kiểm tra 3.891 vụ; phát hiện, xử lý 3.114 vụ vi phạm, với tổng số tiền xử lý trên 63 tỉ đồng.

Đáng chú ý, đã chuyển cơ quan điều tra 26 vụ có dấu hiệu hình sự, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2024.
Ông Nam cũng kể câu chuyện dở khóc dở cười, khi vốn là đi kiểm tra ở một chợ nổi tiếng tại TP.HCM nhưng lại có cảm giác bị kiểm tra ngược.
"Khi tôi mới bước vào cổng chợ, đã có ít nhất 3 "camera" theo dõi. Họ có các group zalo để thông báo với nhau về đoàn kiểm tra. Khi chúng tôi đến gần thì các quầy hàng lập tức đóng cửa, lực lượng bảo vệ vận hành tới 10 camera chỉ để cảnh giới..."- ông Nam nói.
Vì thế ông cho rằng công cuộc chống hàng giả này buộc phải thực hiện đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Ông Nam cũng cho biết cơ quan chức năng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào kiểm soát hàng hóa trên thương mại điện tử, dùng các phần mềm chuyên dụng để quét, phát hiện vi phạm từ nhà bán hàng.
"Song song đó, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để cùng ngăn chặn hành vi gian lận, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, qua đó từng bước làm lành mạnh hóa thị trường"- ông Nam bày tỏ.
PGS.TS.DS Phạm Khánh Phong Lan, Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM:
Mộ số cuộc thanh tra còn mang tính hình thức
Hiện nay, TP HCM đã bố trí các đội quản lý an toàn thực phẩm, thanh tra trên địa bàn để thường xuyên theo dõi, xử lý. Tuy nhiên, các quy định hiện hành vẫn còn nặng về hình thức, dẫn đến công tác thanh tra, kiểm tra chưa hiệu quả bằng các nước.
Ví dụ, thanh tra định kỳ thường phải lập danh sách trước, trình duyệt. Nếu phát hiện trùng lặp, các lực lượng thanh tra phải phối hợp để thống nhất, đảm bảo một cơ sở chỉ tiếp một đoàn thanh tra với một nội dung. Thanh tra vẫn còn “khua chiêng gõ mõ”, nên các cơ sở dễ đối phó, và kết quả chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở xử phạt vi phạm giấy tờ hành chính.
Chính vì thế, chúng tôi đã tăng cường hình thức thanh tra đột xuất, dựa trên các nguồn tin đáng tin cậy, trong đó có báo chí. Tuy vậy, quy trình thực hiện này vẫn còn nhiều khó khăn, khi sau mỗi đột xuất kiểm tra phải giải trình nhiều thủ tục.