Kiến nghị về thuốc BHYT của Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an

(PLO)- Cơ quan An ninh điều tra có văn bản kiến nghị BHXH Việt Nam tăng cường giám sát việc đấu thầu, cung cấp thuốc trong BHYT; kiến nghị Bộ Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra kiểm soát chất lượng thuốc.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra đề nghị truy tố 23 bị can trong vụ tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ, nhận hối lộ xảy ra tại Công ty cổ phần Y dược LanQ và các đơn vị liên quan.

Trong đó, bị can Nguyễn Mạnh Quyền (cựu Tổng giám đốc Công ty Dược LanQ), bị can Phạm Văn Cách (cựu Chủ tịch Công ty Dược Sơn Lâm) bị đề nghị truy tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đưa hối lộ.

Ông Phạm Văn Cách bị cáo buộc đưa hối lộ 71 tỉ đồng cho nhiều bị can ở các cơ sở khám chữa bệnh để được tạo điều kiện trong quá trình thực hiện hợp đồng cung cấp thuốc.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an.jpg

13 cá nhân nhận tiền bồi dưỡng

Ngoài các bị can bị đề nghị truy tố trong vụ án, Cơ quan ANĐT còn xem xét hành vi của một số cá nhân liên quan.

Trong đó, có 13 cá nhân thuộc bệnh viện, trung tâm y tế khác như Huỳnh Thị Kim Oanh (Trưởng Khoa dược Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Tây Ninh), Trần Đình Công (Phó Trưởng khoa dược Bệnh viện Y học cổ truyền và phục hồi chức năng tỉnh Bình Định), Bành Đức Lâm (Phó Giám đốc Bệnh viện Gang thép Thái Nguyên)…

Các cá nhân này đã nhận tiền từ Công ty Dược Sơn Lâm trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán thuốc, nhưng việc nhận tiền này do phía Công ty Dược Sơn Lâm chủ động, tự nguyện bồi dưỡng, ủng hộ bệnh viện trong công tác phòng chống dịch bệnh hoặc nhân dịp lễ, tết.

Các cá nhân này không có yêu cầu, đòi hỏi, thỏa thuận từ trước. Sau khi nhận tiền, nhiều cá nhân sử dụng để chi mua sắm trang thiết bị y tế, chi các hoạt động chung của bệnh viện, làm từ thiện mà không sử dụng chi tiêu cá nhân nên Cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với 13 cá nhân trên.

Quá trình điều tra, bị can Phạm Văn Cách, bị can Lê Văn Tình và bị can Tống Viết Phải khai còn khai đưa tiền chi phí hoa hồng cho 97 cá nhân như ông Nguyễn Văn N (Bệnh viện Bạch Mai), bà Đỗ Thị Thu H (Bệnh viện K cơ sở Tân Triều), bà Bùi Thị Thu H (Bệnh viện Tuệ Tĩnh)…

Tuy nhiên, chỉ có lời khai của 3 bị can, Cơ quan ANĐT không có tài liệu chứng cứ nào khác. Quá trình điều tra cũng không phát hiện dấu hiệu vi phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng. Do đó, cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với 97 cá nhân trên.

Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Mạnh Quyền (Tổng giám đốc Công ty Dược LanQ) và bị can Nguyễn Thúy Kim còn khai đã đưa 40 triệu đồng cho ông Nguyễn Thế Thịnh (Cục trưởng Cục Quản lý Y dược cổ truyền, Bộ Y tế) để nhờ ông Thịnh ký văn bản tạo điều kiện cho Công ty LanQ được tự tổ chức đấu thầu năm 2019.

Tuy nhiên, ông Thịnh không thừa nhận, ngoài lời khai không còn chứng cứ nào khác và việc Cục Quản lý Y Dược cổ truyền có văn bản theo đề nghị của Công ty LanQ cũng không trái quy định. Cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Thịnh.

Ngoài ra, một số nhân viên ở Công ty Dược Sơn Lâm, Công ty Dược LanQ thực hiện một số hành vi có dấu hiệu vi phạm. Tuy nhiên, Cơ quan ANĐT đánh giá họ chỉ là người làm công ăn lương, không hưởng lợi cá nhân, không biết về các thỏa thuận, mục đích của người đứng đầu nên Cơ quan tiến hành tố tụng không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự.

Còn một số nhân viên, người thân cho các bị can nhận hối lộ sử dụng tài khoản ngân hàng, nhận tiền mặt nhưng không biết về mục đích, nguồn gốc số tiền đã nhận, không được hưởng lợi cá nhân. Do đó, không xem xét trách nhiệm hình sự với họ.

Kiến nghị tăng cường giám sát

Từ vụ án này, Cơ quan ANĐT đã có văn bản kiến nghị BHXH Việt Nam tăng cường giám sát việc đấu thầu, thực hiện hợp đồng cung cấp thuốc của các cơ sở khám chữa bệnh, đảm bảo việc tạm ứng tiền đúng quy định.

Đồng thời, kiến nghị Bộ Y tế rà soát quy định hiện hành về đấu thấu vị thuốc cổ truyền, dược liệu để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện đúng quy định, công bằng, minh bạch, không để xảy ra tình trạng nâng giá thuốc, trục lợi. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở y tế về công tác kiểm soát chất lượng thuốc đầu vào.

Cơ quan ANĐT còn kiến nghị các cơ quan, tổ chức chấn chỉnh xử lý đối với các nhân liên quan có dấu hiệu sai phạm nhưng không cấu thành tội phạm hình sự.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

OSZAR »