Sáng 11-5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước, chủ trì Phiên họp lần thứ 4 của Ban Chỉ đạo.
Nhiệm vụ xóa nhà dột nhà nát vẫn còn rất nặng nề
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết việc xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước là công việc rất nhân văn, ý nghĩa, được triển khai rất tích cực
Sau phiên họp thứ ba (ngày 10-3), chúng ta tiếp tục triển khai thực hiện rất nhiều việc. Về cơ bản, đã ban hành đầy đủ hệ thống văn bản theo thẩm quyền để đẩy mạnh triển khai chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước; đặc biệt là các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết khó khăn, vướng mắc, trả lời kiến nghị của các địa phương.
Đến nay các cơ quan Trung ương và địa phương đã hoàn thành 18/27 nhiệm vụ, đang triển khai 9/27 nhiệm vụ.

Từ khi phát động đến nay, cả nước đã xóa được gần 209.000 nhà, đạt khoảng 77% trên tổng số nhu cầu. Trong đó, khánh thành và bàn giao 111.000 căn nhà; khởi công 98.000 căn nhà. Từ Phiên họp thứ ba đến nay tăng gần 87.000 căn nhà được khởi công, khánh thành, bình quân tăng 26 nhà/địa phương/ngày.
Đây là kết quả rất đáng khích lệ, tuy nhiên theo Thủ tướng, nhiệm vụ từ nay đến ngày 31-10 vẫn còn rất nặng nề, còn khoảng 61,8 nghìn căn nhà tạm, nhà dột nát, trong khi thời gian còn lại không nhiều. Bình quân mỗi ngày phải hoàn thành khoảng 364 căn trên cả nước; bình quân mỗi địa phương phải hoàn thành 8 căn/ngày.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực cao hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn để thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chương trình.
Cả nước đã xóa được gần 209.000 nhà tạm, dột nát
Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung cho biết, trên quy mô toàn quốc từ phiên họp thứ 3 đến nay, tình hình chuyển đổi nhanh và kết quả rõ rệt.
Cụ thể, các địa phương đã hoàn thành rà soát nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn gửi báo cáo về Trung ương. Các địa phương đều xây dựng kế hoạch, cách thức triển khai, xác định tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Có 9 tỉnh có thời gian chậm nhất cũng đều đăng ký đến ngày 31-10. 9 tỉnh đăng ký tháng 9 hoàn thành.
Tại phiên họp thứ ba, có 7 địa phương xóa xong nhà tạm nhà dột nát. Từ đó đến nay có thêm 8 địa phương hoàn thành dịp 30-4 là Thái Nguyên, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Vĩnh Long, Trà Vinh, Kiên Giang, Khánh Hòa.
Theo đăng ký, trong tháng 5 sẽ có thêm 6 địa phương hoàn thành là Sơn La, Hà Tĩnh, Bình Định, Ninh Thuận, Long An, Hòa Bình.
Đến tháng 6, sẽ có thêm 16 địa phương đăng ký hoàn thành. Như vậy theo kế hoạch, cuối tháng 6, đầu tháng 7 khả năng 37 địa phương hoàn thành chương trình, có thể sơ kết bước đầu được.
Kết quả, đến nay cả nước đã xóa được 209.000 căn nhà/tổng số rà soát đăng ký đợt cuối cùng là 270,8 nghìn căn, trong đó khánh thành 111.000 căn, khởi công 98.000 căn, đạt 77%.
Hộ cận nghèo thuộc chương trình xóa nhà tạm nhà dột nát là đối tượng khó khăn nhất thì tỉ lệ hoàn thành cao nhất, đạt 80% cả nước.
Về hỗ trợ nhà người có công, mặc dù Trung ương chưa hỗ trợ tiền xuống nhưng nhiều địa phương đã ứng trước hoặc vận động kinh phí để xóa được 50,79%.
Về hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia đạt bình quân là 68%, trong đó chương trình giảm nghèo khó khăn hơn, mới đạt 52%.
Thủ tướng đã duyệt kinh phí nhưng Thường vụ Quốc hội chưa cho ý kiến
Về huy động nguồn lực hỗ trợ, đến ngày hôm qua đã có 3142.8 tỉ đồng theo phương án huy động, đạt 91,8%. "Còn 2 đơn vị là Tập đoàn Dầu khí và TH TrueMilk cam kết trong tháng 5 sẽ thực hiện, lúc đó sẽ đạt 100%", Bộ trưởng Dung nói.
Về xã hội hóa các nguồn lực, đã huy động được hơn 1.807 tỉ đồng; đóng góp của các hộ gia đình được 1.074 tỉ đồng. Ngoài ra, các địa phương còn huy động 321.000 ngày công, 660 tấn xi măng, 500 m3 đá, 310.000 viên gạch, 150 khối cát nền, 3.000 viên ngói.
Đặc biệt, trong hoạt động này, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng rất quyết liệt. Một số đơn vị gặp khó khăn vướng mắc về đất đến giờ cơ bản đã giải quyết.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Dung cho hay, khó khăn nhất hiện nay là kinh phí hỗ trợ để làm nhà người có công chưa triển khai được. Thủ tướng đã duyệt 1.970 tỉ để trình Quốc hội nhưng Thường vụ Quốc hội chưa cho ý kiến.
Ngoài ra, một số địa phương tự ứng tiền trong số tiền đã được duyệt nhưng không được dùng, một số địa phương có tiền nhưng triển khai chậm.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo cho rằng các địa phương phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, bảo đảm hoàn thành mục tiêu trước 31-10; nhất là 18 địa phương đăng ký kế hoạch hoàn thành vào tháng 9 và tháng 10.
"Bốn đơn vị là Điện Biên, Quảng Nam, Lai Châu, Gia Lai cần tập trung chỉ đạo. Tuần tới chúng tôi sẽ cử các đồng chí có trách nhiệm cùng với địa phương nắm bắt lại vấn đề này", ông Dung nói.
Cho phép địa phương ứng trước kinh phí
Ông Dung cũng đề nghị Thủ tướng và Ban chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Tài chính sớm trình cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ để các địa phương triển khai thực hiện.
Cùng với đó, nếu Thường vụ chưa cho ý kiến thì Thủ tướng và Ban chỉ đạo cho phép địa phương ứng trước kinh phí từ nguồn quỹ của địa phương để hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ và thực hiện hoàn ứng sau khi trung ương phân bổ kinh phí.
Ngoài ra, Bộ Dân tộc và Tôn giáo đề nghị Bộ Xây dựng chủ trì sửa đổi, bổ sung Thông tư về định mức hỗ trợ nhà ở thuộc 2 chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm thống nhất với mức hỗ trợ chung của chương trình. Định mức hỗ trợ Thủ tướng đã kết luận, quyết định nâng mức từ 20-40 triệu đồng lên 30-60 triệu đồng.
Đồng thời, thống nhất nguyên tắc điều chỉnh kinh phí hỗ trợ từ nguồn kinh phí huy động tại chương trình phát động và kinh phí từ nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024, kinh phí từ Quỹ cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát, Quỹ Vì người nghèo Trung ương phù hợp với nhu cầu thực tế.