Chỉ còn chưa đầy ba tháng để hoàn thành dự án đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên– công trình trọng điểm quốc gia có tổng mức đầu tư hơn 7.400 tỉ đồng. Trong điều kiện thời tiết miền núi phía Bắc bước vào cao điểm mùa mưa lũ, các nhà thầu cùng hàng ngàn cán bộ, kỹ sư, công nhân vẫn đang ngày đêm bám công trường, căng mình “chạy đua” cùng tiến độ, đảm bảo thi công tuyệt đối an toàn.
Gấp rút thi công trên địa hình phức tạp
Ông Đỗ Quang Khải, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Điện 1 kiêm Giám đốc Ban điều hành Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, cho biết đến nay, toàn bộ 468 vị trí móng cột đã được chính quyền các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc bàn giao mặt bằng cho Ban và các nhà thầu.

Về phần hành lang tuyến, ba tỉnh Lào Cai, Phú Thọ, Vĩnh Phúc đã hoàn thành công tác kiểm đếm và phê duyệt phương án bồi thường, sẵn sàng chi trả tiền cho bà con để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu kéo, rải dây. Riêng Yên Bái đã kiểm đếm được 86/90 vị trí, dự kiến cuối tháng 5 đầu tháng 6 sẽ hoàn tất bồi thường, chi trả tiền cho người dân, đảm bảo tiến độ giao mặt bằng phục vụ kéo dây.
Trên cơ sở mặt bằng đã được bàn giao, Ban đã chỉ đạo các nhà thầu triển khai đồng loạt thi công các vị trí móng trên toàn tuyến. Đến nay, có 236 vị trí cột đã hoàn thành đổ bê tông móng, 156 vị trí đang thi công. Dự kiến, đến đầu tháng 6 sẽ hoàn thành toàn bộ công tác thi công móng.
Song song với đó, công tác dựng cột, kéo dây cũng đang được triển khai tích cực. Đến nay trên toàn tuyến có 25 vị trí đã hoàn thành dựng cột, 36 vị trí đang thi công. Các vị trí khác cũng đang được Ban chỉ đạo nhà thầu vận chuyển cột lên móng để lắp dựng.

“Khó khăn lớn nhất trong công tác thi công móng cột trên toàn tuyến hiện nay là bắt đầu vào mùa mưa, đường trơn trượt, công tác vận chuyển vật tư, thi công móng gặp trở ngại. Với tiến độ rất gấp nên Ban đã chỉ đạo nhà thầu bằng mọi giải pháp để triển khai thi công được ngay sau trời mưa. Hễ mưa dứt là tổ chức bơm hút nước, vét bùn, đưa vật tư lên thi công ngay. Tuy nhiên, mặc dù tiến độ rất gấp nhưng công tác an toàn vẫn phải ưu tiên hàng đầu” - ông Khải nói.
Tiếp tục thông tin, ông Khải cho biết việc huy động nhân lực trên công trường được thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, kết hợp với lực lượng chuyên môn của nhà thầu. Việc thi công cột phụ thuộc vào công tác giải phóng mặt bằng nên trên tuyến không thể thi công tuần tự từ 1 đến 10 mà phải thi công theo từng vị trí có mặt bằng trước.
"Ban đã nhận diện các đường găng tiến độ, các vị trí cột nào có thể hoàn thành trước thì Ban chỉ đạo nhà thầu sản xuất cột ưu tiên sản xuất các loại cột đó, cung cấp kịp thời cho công trường ngay sau khi hoàn thành thi công móng cột thì có thể sẵn sàng lắp dựng, đẩy nhanh tiến độ" - lãnh đạo Ban Quản lý dự án điện 1 chia sẻ.
Tăng tốc sản xuất, cố gắng bàn giao cột thép vượt tiến độ
Bên cạnh nỗ lực của chủ đầu tư, các đơn vị cung ứng cột thép cũng đang chạy đua với thời tiết. Tại nhà máy của Công ty CP Việt Vương (Hưng Yên), không khí sản xuất những ngày này “nóng” không kém công trường ngoài thực địa.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết công ty trúng thầu cung cấp 128 vị trí móng cột, tổng khối lượng 14.500 tấn. Trong số này có 52 vị trí là cột thép hình chữ V, còn lại là cột thép ống. Hiện doanh nghiệp đang tăng tốc “3 ca, 4 kíp” 24/7 để sản xuất cột với khối lượng trung bình đạt khoảng 100 tấn/ngày.

“Hiện tại sản lượng là 100 tấn/ngày, nhưng chúng tôi đang cố gắng đẩy sản lượng lên cao hơn nữa với quyết tâm hoàn thành tiến độ đặt hàng, nhất là khi mùa mưa đã đến gần. Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất ở nhiều khu vực đang khiến công tác tuyển dụng lao động gặp chút khó khăn"- ông Thắng nói và cho biết dự kiến, toàn bộ cột sẽ hoàn thiện tại nhà máy trước ngày 20-6.
Để đảm bảo tiến độ giao hàng, công ty đã chủ động tìm nguồn cung vật tư, chọn đối tác vận chuyển uy tín, đã hợp tác lâu năm, hiểu rõ yêu cầu công trường, giúp phối hợp hiệu quả giữa sản xuất và lắp đặt.
Còn Công ty CP cơ khí thương mại xây lắp điện 4 (huyện Mê Linh, Hà Nội) tham gia bốn gói thầu trong dự án, trong đó có ba gói thầu đường dây (gói thầu số 2, số 4, số 9) và gói thầu số 5 mở rộng trạm 500kV Vĩnh Yên. Tổng khối lượng cột thép của các gói thầu vào khoảng 8.500 tấn.
Đến hiện tại, gói thầu số 4 và gói thầu số 5 đã bàn giao xong toàn bộ phần cột thép. Gói thầu số 2 đã giao 19/23 vị trí cột thép hình, gói thầu số 9 đã bàn giao được 18/22 vị trí.
“Chúng tôi sẽ giao những chuyến hàng cuối cùng vào khoảng ngày 24-6, vượt tiến độ 20-25 ngày”, Giám đốc Vũ Văn Nam khẳng định.

Theo ông Nam, các cột thép này phần lớn là cột thép hình sản xuất trong nước, có thể chủ động được. Tuy nhiên, với cột thép ống, loại cột mới được áp dụng trong dự án, đòi hỏi kĩ thuật cao hơn và nguyên vật liệu sản xuất cột ống to hiện vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục huy động cán bộ nhân viên tăng cường thời gian làm 3 ca, 4 kíp liên tục để đáp ứng được tiến độ khi vật tư về đủ, đáp ứng tiến độ chủ dự án đưa ra. Nhờ kinh nghiệm từ các dự án trước như mạch 2 và mạch 3, cùng với đầu tư hơn 20 tỉ đồng vào thiết bị máy móc, nên chúng tôi sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của dự án”, ông Nam chia sẻ.
Chỉ còn ba tháng nữa để hoàn thiện một công trình trọng điểm quốc gia, các mũi thi công trên tuyến đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên đang hối hả như “chạy marathon nước rút”. Từ Ban quản lý dự án đến các nhà thầu thi công, sản xuất, cung ứng, tất cả đều đang căng mình dưới áp lực của thời tiết, của mốc hoàn thành 2-9.
Nhưng chính trong hoàn cảnh ấy, ý chí và trách nhiệm của những người làm điện lại càng sáng rõ. Bằng quyết tâm và sự phối hợp đồng bộ, dự án không chỉ là công trình năng lượng mà còn là biểu tượng của tinh thần vượt khó, tinh thần trách nhiệm trước niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Dự án Đường dây 500kV Lào Cai – Vĩnh Yên là dự án trọng điểm quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm Chủ đầu tư, Ban QLDA Điện 1 là đại diện Chủ đầu tư.
Dự án được ví như “mạch máu năng lượng” mới nối liền khu vực Tây Bắc với lưới điện quốc gia, góp phần tăng cường liên kết vùng, ổn định vận hành hệ thống điện và nâng cao hiệu quả kinh tế ngành điện.
Với chiều dài gần 230 km, đi qua địa bàn bốn tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Dự án gồm 468 vị trí móng cột và có tổng mức đầu tư trên 7.410 tỉ đồng, trong đó 80% là vốn vay từ Vietcombank, 20% là vốn đối ứng từ EVN.