'Vị thế số 1 thế giới về cà phê Robusta của Việt Nam đang bị đe dọa'

(PLO)- Để cà phê Việt không chỉ xuất thô giá trị thấp, nhiều ý kiến nhấn mạnh con đường tất yếu là đầu tư mạnh mẽ vào chế biến sâu và cà phê đặc sản.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Dù là cường quốc xuất khẩu robusta, phần lớn cà phê Việt vẫn ra đi dưới dạng thô, giá trị gia tăng chưa tương xứng.

Hội thảo "Cà phê Việt Nam: Tăng lợi ích cho người trồng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu" do báo Người Lao Động tổ chức chiều ngày 17-5 tại TP.HCM cùng nhiều ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp, cơ quan quản lý đã gợi ý những hướng đi đột phá, nâng tầm thương hiệu và phát triển bền vững cho ngành hàng tỉ đô này.

"Điểm nghẽn" cố hữu níu chân cà phê Việt

Thực tế đáng buồn là dù sản lượng xuất khẩu luôn đứng top đầu thế giới, đặc biệt với cà phê robusta, ngành cà phê Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức mang tính hệ thống.

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, không ngần ngại chỉ ra nhiều điểm nghẽn nói mãi nhưng chưa gỡ được.

Như hiện nay, sự hiện diện của cà phê Việt Nam tại các hội chợ quốc tế vẫn còn rời rạc, quy mô nhỏ và thiếu tính lan tỏa, trái ngược với hình ảnh chuyên nghiệp, bài bản của các quốc gia như Brazil hay Colombia – nơi ngành cà phê đã được định vị rõ ràng và được quảng bá mạnh mẽ trên toàn cầu.

ca-phe-Viet-xk3.jpg
Các chuyên gia, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp tâm huyết, tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê Việt.

Đáng lo ngại hơn, vị thế số 1 thế giới về sản xuất Robusta của Việt Nam đang bị đe dọa. Chỉ trong 2–3 năm tới, Brazil có thể vượt lên dẫn đầu nhờ vào tiến bộ kỹ thuật và chính sách phát triển bền vững. Các hợp tác xã của họ hoạt động chuyên nghiệp, nông dân chỉ chuyên canh cà phê, giúp sản lượng ổn định và chất lượng đồng đều.

Trong khi đó, tại Việt Nam, người dân liên tục chuyển đổi cây trồng theo hướng chạy theo lợi nhuận ngắn hạn như sầu riêng, bơ, tiêu... dẫn đến sản lượng cà phê biến động thất thường: lúc tăng đột biến, lúc lại sụt giảm mạnh.

"Yếu tố khoa học – công nghệ cũng là một điểm nghẽn lớn. Nhiều quốc gia đã đầu tư mạnh vào giống mới, kỹ thuật canh tác hiện đại, sử dụng drone để phun thuốc, áp dụng mô hình phát thải thấp nhằm bảo đảm cả năng suất lẫn chất lượng – điều kiện bắt buộc khi bước vào các thị trường cao cấp"- ông Minh chia sẻ.

ca-phe-Viet-xk1.jpg
Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia thị trường cà phê, cho biết có đến 90% trong tổng sản lượng khoảng 1,6 – 1,8 triệu tấn cà phê mỗi năm của Việt Nam đến từ các hộ nhỏ lẻ, mỗi vườn chỉ vài tấn. Rất hiếm trang trại đạt sản lượng 100 tấn trở lên.

Điều này hoàn toàn tương phản với Brazil, nơi một nông trại nhỏ cũng có thể lên đến 5.000 – 10.000 ha. "Hệ quả là việc đầu tư chế biến gặp nhiều hạn chế, các hợp tác xã phần lớn còn yếu, thiếu nguồn lực và hạ tầng tối thiểu"- ông Bình nói.

Thị trường tiêu thụ nội địa còn yếu, chỉ chiếm 5-10% tổng sản lượng theo ông Nguyễn Quang Bình, cũng là một yếu tố chưa tạo đủ động lực cho chế biến sâu trong nước.

Đột phá từ chế biến sâu, cà phê đặc sản

Trước những "điểm nghẽn" đó, các chuyên gia, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp tâm huyết, tập trung vào việc nâng cao giá trị gia tăng cho hạt cà phê Việt.

Một trong những giải pháp được nhiều người đồng tình nhất là phải tổ chức lại sản xuất.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk), người nông dân cần được tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu đạt chuẩn phát triển bền vững.

Điều này không chỉ để đáp ứng các yêu cầu mới từ thị trường EU như tín chỉ carbon mà còn hướng đến sản xuất cà phê đặc sản.

Song song đó, đẩy mạnh chế biến sâu và phát triển cà phê đặc sản được xem là con đường tất yếu. Ông Dũng đặt mục tiêu nâng tỉ lệ chế biến sâu lên 40-45% và khẳng định tiềm năng của cà phê đặc sản Robusta Việt Nam, với nhiều mẫu được đánh giá ngon nhất thế giới.

cà phê Việt
Dư địa để phát triển cà phê chế biến sâu, cà phê đặc sản và thị trường nội địa vẫn còn rất lớn.

Là doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất xuất khẩu cà phê chế biến sâu, ông Nguyễn Ngọc Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu (thương hiệu Meet More) chia sẻ kinh nghiệm doanh nghiệp cà phê Việt cần chú trọng đến việc đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, như ISO 22000, FDA của Mỹ...

Việc nghiên cứu kỹ các quy định nhập khẩu và thị hiếu tiêu dùng tại từng quốc gia giúp doanh nghiệp duy trì chất lượng sản phẩm mà còn xây dựng được chiến lược tiếp cận thị trường một cách bài bản và chủ động.

"Hiện doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm đến nhiều thị trường như Hàn Quốc, Nga, Úc, và gần đây là Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng khả quan. Trong hai năm trở lại đây, sản lượng bình quân của chúng tôi đạt từ 1.800 đến 2.000 tấn mỗi năm. Hiện tại, chúng tôi có cơ sở sản xuất tại Việt Nam, đồng thời đẩy mạnh hiện diện tại nhiều thị trường khác" - ông Luận nói.

Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia cà phê lạc quan cho rằng dư địa để phát triển cà phê chế biến sâu, cà phê đặc sản và thị trường nội địa vẫn còn rất lớn và mục tiêu đưa kim ngạch ngành cà phê Việt Nam vượt mốc 10 tỉ USD là hoàn toàn có thể đạt được.

Tuy nhiên, để những giải pháp này thành hiện thực, vấn đề vốn và chính sách hỗ trợ là vô cùng quan trọng. Ông Nguyễn Quang Bình chỉ ra rào cản cố hữu là thiếu vốn, thiếu hỗ trợ từ ngân hàng và chính sách vẫn chưa được tháo gỡ. Ông đề nghị ngân hàng cần mạnh dạn hỗ trợ vốn nhiều hơn cho nông dân và doanh nghiệp.

Hỗ trợ quảng bá cà phê Việt ra nước ngoài

Trước khát vọng nâng tầm cà phê Việt, vai trò của nhà nước và sự tiên phong của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp.

Bộ đang phối hợp tổ chức các chương trình tập huấn về chuyển đổi số, xuất khẩu bền vững và nâng cao kỹ năng cho doanh nghiệp. Thậm chí, nông dân cũng được hướng dẫn cách livestream để bán hàng hiệu quả hơn.

Bộ cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng cà phê cùng nhau đẩy mạnh yếu tố văn hóa trong từng sản phẩm, nhằm nâng cao sức cạnh tranh.

ca-phe-Viet-xk5.JPG
Chương trình "Tôn vinh cà phê, trà Việt" lần thứ 3 - năm 2025 do Báo Người Lao Động tổ chức, diễn ra trong hai ngày 17 và 18-5 diễn ra tại Trung tâm Thương mại Gigamall (TP Thủ Đức, TP HCM).

Bộ đã và đang triển khai nhiều giải pháp như xây dựng chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập huấn về chuyển đổi số, xuất khẩu bền vững, tín chỉ carbon và hỗ trợ quảng bá cà phê ra nước ngoài. Đặc biệt nhấn mạnh việc đưa yếu tố bản sắc dân tộc, câu chuyện văn hóa vào sản phẩm và xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ.

Bà Bùi Hoàng Yến, phụ trách Văn phòng Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương tại TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

OSZAR »