Sở Nội vụ TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM phê duyệt Đề án sắp xếp, bố trí và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn TP.
Thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, TP.HCM sẽ giảm tối thiểu 20% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Trên tinh thần đó, Sở Nội vụ TP.HCM nêu lộ trình thực hiện cụ thể. Trong đó, quý I-2025, trên cơ sở Quyết định 654 của UBND TP và tiêu chí đánh giá sắp xếp, các cơ quan, đơn vị rà soát số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (gọi chung là cán bộ) hưởng lương từ ngân sách.
Qua đó, lập danh sách những trường hợp không đủ điều kiện tiếp tục công tác, xây dựng lộ trình giải quyết chính sách theo Nghị định 178/2024, chuyển Sở Nội vụ tổng hợp.
Từ quý II đến quý IV-2025, các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp tiếp tục đánh giá, rà soát, xây dựng đề án vị trí việc làm, xác định số lượng biên chế công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện đề xuất danh sách dôi dư theo lộ trình để thực hiện chế độ, chính sách theo Nghị định 178/2024.
Phấn đấu hoàn thành mục tiêu mỗi năm giảm tối thiểu 4% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước theo phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị, địa phương phù hợp với lộ trình thực hiện chính sách quy định tại Nghị định 178.
Sở Nội vụ thẩm định danh sách, phối hợp Sở Tài chính dự trù kinh phí giải quyết chính sách và tổng hợp, trình Chủ tịch UBND Thành phố phê duyệt danh sách và kinh phí theo quy định.
Đến quý IV-2025, tổ chức sơ kết, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện đề án, tổng hợp những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai đề án.
Kiến nghị, đề xuất Chính phủ chủ trương, giải pháp tháo gỡ vướng mắc, hạn chế để đảm bảo việc thực hiện đề án được xuyên suốt, đảm bảo nguồn lực của hệ thống chính trị và ngân sách giải quyết chế độ, chính sách (nếu có).
Sau đó, giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 và những năm tiếp theo, mỗi năm các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp tiếp tục đánh giá, rà soát và đề xuất danh sách dôi dư để thực hiện chế độ, chính sách theo quy định. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu mỗi năm giảm tối thiểu 4% công chức, viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Dự kiến TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện đề án vào năm 2027 và tổng kết giai đoạn 2025-2030 vào năm 2030; đề xuất giải pháp, mô hình trong thực hiện công tác quản lý biên chế công chức, số lượng viên chức, người làm việc phù hợp với yêu cầu thực tiễn của nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.
Trước đó, chiều 20-2, tại kỳ họp thứ 21 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, đã biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết quy định về chế độ hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi thực hiện sắp xếp bộ máy, cơ cấu lại và sắp xếp đơn vị hành chính các cấp của hệ thống chính trị.
Nghị quyết cũng quy định mức hỗ trợ cho trường hợp phụ trách công tác Đảng tại Tổng công ty, Công ty do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bị tác động khi thực hiện sắp xếp tổ chức đảng; trường hợp không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trên địa bàn TP.
Dự kiến số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cần thực hiện chế độ hỗ trợ thêm là 7.159 người. Tổng kinh phí TP cần bố trí theo Nghị định 178/2024 và chế độ hỗ trợ thêm của TP là gần 17.000 tỉ đồng.
Theo tờ trình của Sở Nội vụ TP.HCM, đối tượng thực hiện đề án là cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp của hệ thống chính trị TP (sau đây viết tắt là sắp xếp tổ chức bộ máy). Gồm:
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức công tác tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại, tinh gọn bộ máy.
- Cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách.
- Các trường hợp không tái cử, tái bổ nhiệm theo quy định tại khoản 1, 3, 4, 5 Điều 2 Nghị định 177/2024.
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động trước thời điểm ngày 15-1-2019; bao gồm: người ký hợp đồng lần đầu làm việc các công việc hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và sự nghiệp công lập; người ký hợp đồng lần đầu làm việc các công việc chuyên môn, nghiệp vụ hoặc người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính được áp dụng chế độ, chính sách như công chức.