Sở Xây dựng TP.HCM vừa trình UBND TP phê duyệt danh sách, số lượng tuyến và tần suất vớt đối với các tuyến sông, kênh, rạch có chức năng tiêu thoát nước cần thực hiện vớt rác trên kênh.

Theo Quyết định số 5601 của UBND TP, các tuyến kênh, rạch có chức năng tiêu thoát nước trên địa bàn gồm có 23 tuyến.
Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (thuộc Sở Xây dựng TP.HCM) đã tổ chức khảo sát, đánh giá hiện trạng và đề xuất tần suất thực hiện vớt rác trên kênh tối thiểu 1 lần/tuần.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, Sở được giao quản lý 23 tuyến kênh, rạch, với chiều dài 41.658 m có chức năng tiêu thoát nước đi qua địa giới hành chính từ hai quận, huyện trở lên.
Tình trạng rác, lục bình, rác sinh hoạt trôi nổi, tích tụ lâu ngày đang gây ô nhiễm rất lớn đến môi trường, phát sinh mùi hôi. Điều này gây ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong khu vực và ảnh hưởng đến tiêu thoát nước.
Trước hiện trạng trên, từ năm 2013, TP đã triển khai thí điểm công tác vớt rác, rong cỏ, lục bình trên kênh Đôi, kênh Tẻ, rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hủ và kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Đến năm 2019, TP tiếp tục cho vớt trên tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm.
Qua quá trình thực hiện từ 2013 đến nay, công tác vớt rác, rong cỏ, lục bình đã góp phần giảm thiểu lượng rác trên các tuyến sông trên, từng bước cải thiện môi trường khu vực.
Sở Xây dựng TP.HCM vừa qua cũng đã có tờ trình gửi UBND TP về công bố đơn giá dự toán dịch vụ vớt, thu gom rác trên các tuyến sông, kênh rạch có chức năng giao thông thủy trên địa bàn TP.
Theo ý kiến của Sở Xây dựng, hiện nay đơn giá dự toán dịch vụ vớt, thu gom rác trên sông, kênh rạch có chức năng giao thông thủy trên địa bàn TP chưa được công bố nên không có cơ sở để thực hiện đấu thầu hoặc đặt hàng cung ứng dịch vụ vớt, thu gom rác trên sông, kênh rạch.
Chính vì vậy, việc ban hành đơn giá dự toán dịch vụ vớt, thu gom rác trên sông là rất cần thiết.